Những điểm mới chủ yếu của Thông tư 39 và Thông tư 43
Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39) và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43). Hai Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2017.
Hai Thông tư này được ban hành tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng. Các điểm mới chủ yếu của hai thông tư trên bao gồm:
1. Các quy định để thực hiện Bộ luật dân sự 2015, hướng dẫn thực hiện Nghị định 39/2014/NĐ-CP
Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43/2016/TT-NHNN được ban hành để thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Nghị định 39/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1.1. Về khách hàng vay vốn
Theo quy định tại BLDS 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân). Để thực hiện quy định mới này của Bộ luật dân sự, Thông tư 39 (khoản 3 Điều 2) quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là pháp nhân, cá nhân. Như vậy, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại TCTD. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, Thông tư 43 cũng quy định cho phép cá nhân vay vốn tiêu dùng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân và gia đình của cá nhân vay vốn.
1.2. Về lãi suất
Trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010, Thông tư 39 quy định cụ thể về lãi suất cho vay như sau:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn. Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39.
b) Thông tư 39 bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
c) Thông tư 39 cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
1.3. Về thời hạn cho vay
Thực hiện quy định của BLDS 2015 về cách tính thời hạn, Thông tư 39 quy định thời hạn cho vay được tính từ ngày tiếp theo của ngày TCTD giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến hết ngày khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại BLDS 2015 về thời điểm bắt đầu thời hạn.
1.4. Về công khai hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung
Thực hiện quy định tại Điều 405, 406 BLDS 2015, Thông tư 39 quy định rõ: Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải thực hiện:
a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD;
b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.
1.5. Về cho vay tiêu dùng
Thông tư 43 cũng quy định cụ thể khái niệm về cho vay tiêu dùng, theo đó hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi: (i) Hoạt động cho vay bằng đồng Việt Nam; (ii) Khách hàng vay vốn là cá nhân; (iii) Mục đích vay vốn: nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó, bao gồm nhu cầu: Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; Chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; Chi phí sửa chữa nhà ở; (iv) Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) (trừ trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật).
2. Các quy định về đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay
2.1. Thông tư 39, Thông tư 43 đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay như: bỏ giấy đề nghị vay vốn tại hồ sơ đề nghị vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn trong cho vay phục vụ đời sống…
2.2. Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39, Thông tư 43 đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của TCTD như sau:
a) TCTD có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay.
b) Thỏa thuận cho vay phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, Thông tư 43 quy định công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
c) TCTD thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo tối thiểu gồm: số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Đồng thời, khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn với nội dung thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số nợ gốc này, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng.
d) Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, Thông tư 43 quy định một số nội dung tối thiểu phải có trong quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó phải có nội dung:
(i) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng;
(ii) Bộ phận chuyên trách và phương thức tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng.
3. Các quy định khắc phục bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 1627
3.1. Về mục đích vay vốn
Theo quy chế cho vay tại 1627, mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống. Thông tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm: (i) Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và (ii) Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, trừ những nhu cầu vốn không được cho vay. Thông tư 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).
3.2. Về những nhu cầu vốn không được cho vay
Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627 và quy định cụ thể một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế như:
a) Cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; (iii) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
3.3. Về phí liên quan đến hoạt động cho vay
Thông tư 39 đã kế thừa các quy định tại Thông tư 05/2010/TT-NHNN về phí. Đồng thời, bổ sung thêm một loại phí là “phí cam kết rút vốn” từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Đây là loại phí mà thông lệ quốc tế, các TCTD đều được thu để bù đắp chi phí thu xếp vốn cho vay của TCTD tránh trường hợp khách hàng đã thực hiện ký kết thỏa thuận về cho vay và được TCTD bố trí nguồn vốn để vay nhưng khách hàng không thực hiện rút vốn.
3.4. Về phương thức cho vay
Thông tư 39 đã bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng (như cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn, cho vay lưu vụ). Trong đó, một số phương thức cho vay được quy định chặt chẽ và có điều kiện áp dụng, như: Phương thức cho vay tuần hoàn, chỉ áp dụng đối với khoản vay ngắn hạn và khách hàng không có phát sinh nợ xấu…
Thông tư 39 cũng chỉnh sửa quy định về một số phương thức cho vay cho phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước: như cho vay thấu chi tài khoản thanh toán để thực hiện các dịch vụ thanh toán trên tài khoản; bổ sung thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng (không quá 1 năm) đối với phương thức cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng…
3.5. Về thứ tự thu hồi nợ
Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.
3.6. Về thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Thông tư 39 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
3.7. Về chuyển nợ quá hạn
Theo quy chế cho vay tại 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn. Tuy nhiên Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
4. Hệ thống hóa các quy định về cho vay
Thông tư 39 đã hệ thống nội dung của 08 văn bản QPPL hiện hành thành một Thông tư quy định chung về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Đồng thời, Thông tư 39 đã quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hoạt động cho vay, cụ thể:
a) Hoạt động cho vay của TCTD thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư 39 và các quy định của pháp luật có liên quan.
b) Các hoạt động cho vay cụ thể được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì việc cho vay được thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
c) Trường hợp văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định dẫn chiếu áp dụng Thông tư 39 hoặc các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay không được quy định tại văn bản riêng, thì thực hiện theo quy định có liên quan tại Thông tư 39.
Như vậy, các quy định tại Thông tư 39 là quy định chung về cho vay. Các quy định tại văn bản riêng về hoạt động cho vay cụ thể (như: Quy định tại Thông tư 43 về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, Thông tư 42/2011/TT-NHNN về hoạt động cho vay hợp vốn; Thông tư 24/2015/TT-NHNN về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ…) được ưu tiên áp dụng so với quy định tại Thông tư 39.
Toàn văn Thông tư 39, Click vào đây
Toàn văn Thông tư 43, Click vào đây
Nguồn: Hiệp hội Quỹ tín dụng Việt Nam (Vapcf.org.vn)